Nokia từng đưa ra những dự đoán chính xác về xu thế thị trường, đưa ra những thiết kế phần cứng ấn tượng nhưng chính sự chậm chạp trong việc thay đổi đã khiến họ tụt dốc.

Đã từng có thời, mỗi khi ai đó tìm kiếm thông tin về một chiếc điện thoại mới trên web, địa chỉ đầu tiên họ truy cập (có thể là cả địa chỉ cuối cùng) là Nokia.com. Công ty điện thoại Phần Lan mang đến nhiều lựa chọn nhất, thiết kế tốt nhất và thương hiệu đáng tin cậy nhất trên thế giới. Cố gắng làm điều tương tự thời điểm hiện tại, bạn sẽ thấy mọi link trên website của Nokia đều chỉ về website của Microsoft Mobile Devices.

Theo The Verge, có rất nhiều thay đổi trong thế giới di động chúng ta đang sống hiện nay. Tuy nhiên, tất cả những thứ đó đều đã được Nokia nhìn thấy từ trước

Chiếc smartphone tốt nhất thế giới hiện nay chẳng có gì khác ngoài việc thiết kế bằng nhôm nguyên khối và sở hữu camera chất lượng cao. Nokia N8 đã sở hữu đầy đủ các yếu tố đó từ năm 2010.



Nokia N8 - chiếc smartphone vỏ nhôm, camera 12 megapixel của hãng điện thoại Phần Lan.

iPhone – sản phẩm có doanh số và danh tiếng lớn nhất hiện nay đang cố lặp lại những gì Nokia đã có cả nửa thập kỷ trước: Kết hợp camera chất lượng tốt cùng với chất liệu phần cứng tốt nhất. Điều duy nhất Nokia làm chưa tốt, đó là phần mềm.

Thiết kế của Nokia N8 đã sẵn sàng vào đầu năm 2010 khi nó là một trong những smartphone đầu tiên có khả năng quay video 720p nhưng sự trì hoãn liên tiếp của các bản cập nhật Symbian khiến nó không thể ra mắt cho đến tháng 9.

Sự phát triển của phần cứng đã bị kìm hãm bởi phần mềm. Một cựu nhân viên Nokia cho biết, thời điểm đó các đội phát triển tính năng khác nhau của Symbian làm việc riêng biệt và không thể tích hợp vào một phần mềm duy nhất cho đến những tuần cuối cùng trước khi máy ra mắt.

Thất bại lớn nhất của Nokia là không sẵn sàng đón nhận những thay đổi mạnh mẽ. Công ty này bắt đầu tự gieo hạt giống tự hủy khi đưa ra khẩu hiệu “sự quen thuộc bên trong yếu tố mới mẻ” trên Symbian. Hệ điều hành này đã khiến người dùng hoàn toàn xa lạ khi thay đổi quá nhiều, kết thúc bằng một đống hỗn độn của một nền tảng không phù hợp với tương lai.

Khi đó, chuyển sang nền tảng Android – đang được “tiền hô hậu ủng” bởi Google và hàng loạt nhà sản xuất khác – là một lựa chọn tức thời. Tuy nhiên, Phó chủ tịch của Nokia là Anssi Vanjoki đã bác bỏ lựa chọn nói trên bởi cho rằng nó chẳng khác gì “tự đi tiểu ra quần để tìm chút ấm áp trong mùa đông”.

Nhận định nói trên của Vanjoki hiện vẫn gây nhiều tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng, nếu chuyển sang Android, rất có thể đã có một Nokia hoàn toàn khác. Tuy nhiên, xét trên bối cảnh HTC, Motorola hay Sony đang vật lộn trong khủng hoảng thì đó chưa hẳn đã là một dự đoán sai lầm. Hiện tại, không ai ngoài Google, Samsung và Microsoft (nhờ tiền bản quyền sáng chế) thu lời từ điện thoại Android.

Nokia buộc phải có một cuộc chuyển đổi và họ đã chọn Windows Phone là nền tảng để xây dựng tương lai. Công trình này vẫn đang được thi công, chỉ đáng tiếc nó không còn mang tên “chủ đầu tư” Nokia. Trước Windows Phone, người ta đã kỳ vọng vào một điểm sáng mang tên Nokia N9. Model này chạy nền tảng mã nguồn mở là MeeGo OS. N9 thổi một luồng gió mới vào thị trường di động, trên cả phần cứng lẫn phần mềm.



N9 tiếp tục là một sản phẩm sáng tạo khác của Nokia.

Thiết kế nguyên khối của N9 khiến nhiều người mê mẩn và muốn trải nghiệm ngay lập tức. Tuy nhiên, một lần nữa phần mềm của MeeGo không theo kịp phần cứng. Nền tảng này không nhận được nhiều sự hỗ trợ (thiếu ứng dụng) để tạo ra một hệ sinh thái mạnh mẽ. Do đó, N9 bị khai tử không lâu sau khi ra mắt, dưới sự chỉ đạo của Stephen Elop – người được coi là “ngựa gỗ thành Troy” do Microsoft cài cắm vào Nokia.

Danh sách những thứ Nokia nhìn thấy trước, nhưng không thể thích ứng khá dài. Một ví dụ khác là việc Anssi Vanjoki từng bị coi là kẻ “chém gió” khi dự đoán máy ảnh DSLR sẽ bị thay thế bằng điện thoại chụp hình. Nhìn vào những sản phẩm như iPhone 6, Panasonic CM1 hay bản thân Lumia 1020 của Nokia, người dùng hiện có đủ những lựa chọn tuyệt hảo để thay thế máy ảnh chuyên nghiệp trong phạm vi nào đó.

Trước khi iPhone có ứng dụng, Android có bản đồ, điện thoại Nokia đã có cả 2. Ngày nay, một smartphone không thể coi là cao cấp nếu không dùng thiết kế vỏ kim loại. Nếu phần mềm do Nokia phát triển đủ tốt giống như tầm nhìn xa của họ về phần cứng, có thể webiste mà người dùng tìm kiếm sẽ vẫn là Nokia.com.

Thay vào đó, một số người trót yêu Nokia sẽ phải lơ đễnh nhìn vào 4 ô cửa sổ vô hồn (logo của Microsoft) trên màn hình máy tính và thầm tiếc cho một ông vua của làng di động.
Share To:
Magpress

Kiến Thức Công Nghệ

Kênh thông tin chia sẻ những thông tin điện thoại, tin tức, thông tin game, cùng những thủ thuật hay dành cho điện thoại.